UBND Yên Thắng

Du lịch Nam Định

6 ĐỊA ĐIỂM DU LỊCH NỔI TIẾNG Ở NAM ĐỊNH

Đăng ngày:

Đến với Nam Định, ta như được ngược dòng lịch sử quay trở về thời kỳ huy hoàng, vẻ vang của triều đại phong kiến hưng thịnh bậc nhất ở Việt Nam mà gắn liền với 14 vị vua thời Trần. Bởi lẽ, mảnh đất này được mệnh danh như là kinh đô thứ hai của nhà Trần.

Mặc dù đã trải qua bao năm tháng nhưng thành Nam ấy vẫn giữ được vẻ cổ kính, những nét trầm mặc đầy sức hấp dẫn và quyến rũ, với hàng loạt, cung điện, thành quách in dấu một thời vàng son nơi đây. Dường như chính cái sức cuốn hút lạ kì đó đã níu chân du khách, khiến họ đến rồi chẳng nỡ rời đi.

Bạn có tò mò rằng: Tại sao Nam Định lại có sức hút như vậy? Hãy cùng khám phá 6 địa điểm du lịch nổi tiếng ở Nam Định nhé!

 

 

Đền Trần


Đây có lẽ là một trong những điểm du lịch là di tích lịch sử mà bất kỳ du khách nào khi đến Nam Định đều muốn ghé qua.

 

 

 

Đền Trần được xây dựng vào năm 1695 trên nền Thái miếu cũ – tức là Phủ Thiên Trường xưa, nơi được coi là phát tích của vương triều nhà Trần và có dấu ấn của cuộc kháng chiến ba lần chống quân Mông – Nguyên của nhân dân ta. Hiện nay, đền nằm ẩn mình trên đường Trần Thừa, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định.

Đền là nơi thờ tự 14 vị vua nhà Trần cùng với gia quyến và các quan lại đã có công phù tá nhà Trần như Trần Thủ Độ, Trần Quốc Tuấn…

Nổi bật của đền Trần là được cấu trúc bởi ba công trình kiến trúc: đền Thiên Trường (đền Thượng), đền Cổ Trạch (đền Hạ) và đền Trùng Hoa có kiểu dáng chung và quy mô ngang nhau. Mỗi đền gồm tòa tiền đường 5 gian, tòa trung đường 5 gian và tòa chính tẩm 3 gian. Nối tiền đường và trung đường là kinh đàn (thiêu hương) và 2 gian tả hữu vu..

Kiến trúc của đền Trần được bài trí dường như không có gì khác biệt so với những ngôi đền hay ngôi chùa mang dáng dấp của làng quê Bắc Bộ Việt Nam. Nhưng mỗi khi đến đây, du khách sẽ không thể nào quên được lễ hội nổi bật bao đời của đền Trần diễn ra vào ngày 15 tháng Giêng hằng năm. Lễ hội được mở đầu bằng Lễ khai ấn từ giờ Tý.

 

 

 

 

Vì thế mỗi khi du khách đến hành lễ tại đền Trần vào dịp đầu xuân đều xin hoặc mua “ấn” với mong muốn là sẽ được thăng tiến, thành đạt trong công việc và sự nghiệp.

Tháp Phổ Minh Nam Định


Dưới triều đại Lý và Trần ở nước ta, Phật giáo rất phát triển, vì thế đã có nhiều công trình Phật giáo được xây dựng trong thời kì này nhưng đến bây giờ thì dường như không còn toàn vẹn. So với tháp Bình Sơn ở Vĩnh Phúc, tháp Huệ Quang ở Yên Tử Quảng Ninh thì tháp Phổ Minh ở Nam Định không những cao hơn mà còn tương đối nguyên vẹn.

Nằm cách thành phố Nam Định 5km về phía Tây Bắc, ngọn tháp Phổ Minh nặng 700 tấn vẫn vững chãi, nằm hiên ngang, sừng sững giữa một đồng lúa chiêm trũng trong 700 năm qua như một bàn thạch.

 

 

Tháp hình vuông, gồm 14 tầng, cao 19,5 m và được xây bằng gạch, bắt mạch để trần không trát. Nhìn toàn bộ cây tháp như thể hiện cho cái tâm hồn của Phật, giống như đóa sen mọc từ bùn lầy nước đọng nhưng vẫn ngát hương.

Ngọn tháp Phổ Minh vươn cao trên trời xanh cùng toàn bộ di tích nhà Trần chính là những di sản quý báu của dân tộc, mãi mãi là niềm tự hào của nhân dân Nam Định.

 

 

 

Khu di tích Phủ Dầy


“Tứ bất tử” là một huyền thoại về việc nhân dân ta tôn vinh và thờ phụng “bốn vị thánh không bao giờ chết” trong đó có Liễu Hạnh công chúa, quê ở Nam Định. Bà là một vị thần, tượng trưng cho cuộc sống tinh thần, phúc đức, sự thịnh vượng. Và hôm nay đây, về với khu di tích Phủ Dầy này là khám phá hàng chục di tích liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của bà Chúa Liễu Hạnh ấy.

Khu di tích nằm cách thành phố Nam Định 17km về phía Tây Nam và gồm ba di tích chính là: Phủ Tiên Hương, Phủ Vân Cát và Lăng Mẫu, đều là những công trình kiến trúc xây dựng với quy mô bề thế mang phong cách cổ truyền dân tộc hết sức độc đáo. Đặc biệt nhất có lẽ là lăng Mẫu, nơi có ngôi mộ cổ tương truyền là mộ của công chúa Liễu Hạnh, xung quanh có cây cối luôn xanh tươi tốt.

Khu di tích Phủ Dầy có giá trị rất cao về trình độ kiến trúc nghệ thuật, đến đây vừa có thể thưởng ngoạn cảnh đẹp vừa có thể là dịp xin Mẫu ban cho điều lành và sự may mắn trong cuộc sống

Vườn Quốc gia Xuân Thủy

 


Vườn Quốc gia Xuân Thủy vinh dự được UNESCO công nhận là rừng ngập mặn đầu tiên ở Việt Nam theo công ước Ramsar, rừng ngập mặn thứ 50 của thế giới. Tổng diện tích của vườn quốc gia là 12.000 ha thuộc vùng cửa sông Hồng, nằm hầu hết ở địa phận xã Giao Thiện, huyện Giao Thuỷ, Nam Định.

Nơi đây được coi là nơi lưu trú của khoảng 100 loài chim trên đường di cư về phương Nam sinh sống cùng với nhiều loại thực vật bậc cao, động vật quý hiếm…

Đến Vườn Quốc gia Xuân Thủy, bạn sẽ như được sống trong không gian bao la đất trời mây nước, tha hồ hít thở không khí trong lành, ngắm nhìn giang sơn của những loài chim tung tăng bay lượn trên bầu trời xanh ngắt. Vì thế, đây cũng chính là điểm du lịch sinh thái độc đáo, hấp dẫn và thu hút rất nhiều du khách trong nước và nước ngoài đến tham quan, khám phá.

Các nhà thờ


Nam Định được coi là “thủ phủ” của các nhà thờ không chỉ ở miền Bắc mà cả ở đất nước Việt Nam, khi sở hữu rất nhiều nhà thờ cổ, nguy nga, có kiến trúc tuyệt đẹp.

Nếu là dân du lịch hay đi phượt thì thường thấy bạn bè hay nhắc đến nhà thờ đổ Nam Định ở biển Xương Điền. Nhưng thực tế Nam Định còn có rất nhiều nhà thờ đẹp, bề thế, tập trung ở hai huyện Xuân Trường và Hải Hậu như nhà thờ Phú Nhai, nhà thờ Bùi Chu, nhà thờ Phương Chính, nhà thờ Hưng Nghĩa… Lí do là người dân ở hai huyện này cực kì mộ đạo nên nếu có dịp đi qua mảnh đất thành Nam, bạn nên đến đấy khám phá một lần các nhà thờ có kiến trúc Gothique kiểu Pháp hay Tây Ban Nha…nhé!

Chợ Viềng


Chợ Viềng Nam Định là một phiên chợ rât độc đáo mà khắp miền Bắc, ai cũng biết đến. Hàng năm, nó chỉ họp một năm có một lần vào đêm ngày 7 và ngày 8 Âm lịch. Vì diễn ra từ đêm nên có nhiều người còn gọi chợ Viềng là chợ Âm Phủ.

Người dân đi chợ Viềng đầu xuân là phải đi với tâm thế, đắt rẻ không quan trọng mà là may mắn. Chính vì thế, nếu có bạn nào có dịp đến Nam Định, đi chợ Viềng vào ngày 8 Tết hàng năm thì cũng đừng ngạc nhiên khi vào chợ, có thể thấy người ta bày bán cả những công cụ lao động đã… qua sử dụng.

Đi chợ Viềng, là một nét đẹp văn hóa với tất cả những ai tham dự, cả với người bán với người mua. Vì dù mua hay không, bán hay có thì tất cả mọi người cũng đều tặng nhau nụ cười rất thoải mái, rất chân tình với mong muốn một năm được mưa thuận gió hòa, phát tài phát lộc, may mắn với người người.

Bình luận